"Phụ bữa cơm đỡ phần gánh nặng!"
Khoảng 10 giờ sáng,ómthiệnnguyệngầnnămphátcơmmiễnphíđểnhậnlạinụcườsculpture tại đường Hoàng Sa (Q.3, TP.HCM) có điểm phát cơm miễn phí cho người khó khăn. Dòng thông báo được in to, rõ chữ với nội dung: "Bữa cơm nhân ái. Kính mời quý ông bà, anh chị xa quê, bán vé số, khuyết tật nhận phần cơm mang về của tấm lòng chúng tôi vào lúc 10 giờ sáng thứ tư và thứ sáu hằng tuần. Kính chúc quý vị ngon miệng và nhiều sức khoẻ. Xin kính mời!".
Những hình ảnh về điểm phát cơm này cũng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Tài khoản Bích Ngọc viết: "Rất ấm áp. Chúc mọi người nhiều sức khỏe". Bạn Thu Hà bình luận: "Những bữa cơm ấm áp, lan tỏa yêu thương đến mọi người".
Thấy người phụ nữ đẩy xe ve chai đi qua, một thành viên của nhóm Hồng Ân tiến lại gần và nói với giọng ân cần: "Chị cầm một phần cơm ăn trưa nay nhé!". Người phụ nữ gật đầu nhận lấy không quên gửi lời cảm ơn và nở nụ cười tươi. Phần cơm hôm đó có cơm, canh, thịt kho và nước uống.
Bà Nguyễn Thị Nở (61 tuổi, ở giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Q.3) cho biết, các thành viên trong nhóm đều theo đạo Công giáo và đến từ các giáo xứ khác nhau. Họ cùng tập trung lại bớt chút thời gian, công sức tự tay nấu những phần cơm ngon gửi tặng mọi người.
Nhóm bắt đầu phát cơm từ năm 2014 đến nay. Trước đây, họ nấu cơm ở nhà bà Nở, chia ra từng phần và đi xe máy trao khắp nơi. Dịch Covid-19 bùng phát, họ mượn địa điểm đứng trao như hiện tại.
"Chúng tôi đi ngoài đường thấy người di dân từ tỉnh lên thành phố. Họ thuê nhà bán vé số, lượm ve chai, thu nhập không có nhiều. Những phần cơm này có thể sẽ phụ thêm để họ dành tiền lo tiền nhà, điện nước. Cuộc sống họ rất khó khăn nên tôi cứ nghĩ phụ họ bữa cơm mong san sẻ phần nào gánh nặng", bà bộc bạch.
Cũng theo bà Nở, khi vào bệnh viện mới thấy và hiểu được nỗi lòng của các bệnh nhân rồi thêm hoàn cảnh khó khăn phải đi xin cơm ăn qua bữa. Đó cũng là lý do nhóm bắt tay làm công việc ý nghĩa này.
Những phần cơm do các thành viên trong nhóm tự đi chợ mua nguyên liệu, chế biến và chia ra thành từng phần. Trước một ngày, họ sẽ chuẩn bị món mặn, sáng sớm nấu canh và đem trao cho mọi người. Mỗi ngày phát, mọi người sẽ dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị.
"Tôi thấy việc làm này rất ý nghĩa. Những phần cơm được trao tận tay cho người cần nên cảm thấy vui với công sức bản thân bỏ ra. Chúng tôi làm việc này không hám danh. Thấy họ mở phần cơm nóng hổi ăn ngon lành là bao nhiêu mệt nhọc tan biến, có thêm động lực để tiếp tục. Ngoài ra, chúng tôi còn đi làm việc bác ái ở vùng sâu, vùng xa mỗi năm 2 lần", bà Nở nói.
"Nhận lại niềm vui"
Bà Nở nói rằng, thành viên nhóm tự góp tiền lại, người cho muối, cho đường, rau củ. Các cha ở giáo xứ cũng giúp đỡ để nhóm có thêm chi phí thực hiện.
"Nhiều người đến nhận cơm cho biết ăn ở ngoài phải 25.000 – 30.000 đồng mới no, tôi thấy rất thương. Họ chờ đợi những bữa cơm ấm áp nên tôi luôn mong việc nhỏ này mong họ bớt khổ đi đôi chút. Tôi cứ nghĩ như vậy nên cứ làm liên tục gần 10 năm qua", bà Nở chia sẻ.
Ông Ngô Minh Sơn (60 tuổi, thành viên của nhóm) chia sẻ, ông tham gia phát cơm cho mọi người gần 10 năm nay. Ông luôn mong bản thân có nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc ý nghĩa này.
"Tôi luôn tham gia cùng mọi người để phục vụ những người nghèo khổ có những bữa cơm ngon. Chúng tôi chế biến, nấu nướng rất cẩn thận. Nấu cơm cho người khác nhưng tôi rất vui, nhận lại nhiều nụ cười", ông chia sẻ.
Nhận phần cơm từ người trao bà Đặng Thị Lành (48 tuổi, ở Q.3) chia sẻ: "Tôi đi bán vé số mỗi ngày thu nhập không có nhiều. Hôm nay tôi đi qua đường này và được mọi người gửi tặng phần cơm tôi thấy vui, tiết kiệm được tiền ăn trưa. Tôi thường nấu cơm ở nhà mang đi, không có tiền ăn ngoài nên mỗi lần có cơm sẽ để dành đồ ăn ở nhà cho ngày hôm sau".
Ông Đặng Văn Hiệp (Tổ phó tổ 33, P.9, Q.3) cho biết, nhóm thiện nguyện Hồng Ân sinh hoạt từ lâu, thường xuyên giúp đỡ người nghèo, người neo đơn qua những bữa cơm miễn phí và các hoạt động khác. "Từ đợt dịch Covid-19, nhóm chọn địa điểm phát cơm ở đầu hẻm. Việc làm của nhóm rất tốt, nhiệt tình mang nhiều ý nghĩa hỗ trợ người khó khăn", ông Hiệp nhận xét.